Bảo hiểm nông nghiệp: Yếu tố để phát triển bền vững

2021-05-07 16:15:04

Hiện nhiều địa phương đã triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) nhưng mới chỉ dừng lại một số sản phẩm.


Từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã có những cơ chế chính sách tài chính, BHNN cho lúa, cao su, hạt tiêu, điều, cây ăn trái, heo, trâu bò, gia cầm, tôm, cá tra. Các hộ nghèo hoặc cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm, còn cá nhân và tổ chức khác được hỗ trợ 20% mức phí. Mới đây, Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp đang thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN từ 26/6/2019 đến 31/12/2020 cho lúa, trâu bò và tôm, thực hiện ở 15 tỉnh thành phố.

Bà Võ Thị Kim Sa- Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp 2 tại TPHCM cho rằng, nông dân mua được gói bảo hiểm và ngân hàng thấy nông dân có bảo hiểm, người ta cũng yên tâm để cho vay hơn. HTX có bảo hiểm thì ngân hàng cũng yên tâm cho vay hơn. Và ngược lại, công ty bảo hiểm cũng như vậy, biết rằng HTX có khả năng tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng thì người ta cũng dễ dàng hơn làm bảo hiểm.

“Vượt qua thách thức này là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tiềm năng phát triển HTX ở Việt Nam. Từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và cải thiện năng lực của người nông dân trong việc phát triển sinh kế và ứng dụng cải tiến trong ngành nông nghiệp”- bà Kim Sa nhấn mạnh.

Ông Jean Yves Drolet- chuyên gia quản lý rủi ro nông nghiệp cho biết, cơ chế quản lý rủi ro tại Quebec (Canada) do 1 cơ quan nhà nước quản lý. Gói BHNN phục vụ 2 loại rủi ro chính là tài chính và thiên tai, dịch bệnh. Các giải pháp bảo hiểm được chia ra cụ thể cho đối tượng cá thể và tập thể như bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm thu nhập. Cơ chế BHNN nhằm chia sẻ bớt các rủi ro lúc nào cũng có. Khi rủi ro vượt quá khả năng chịu đựng thì nông dân mua BHNN. Nếu rủi ro lớn hơn nữa thì nhà tài chính lại mua bảo hiểm từ nhà tái bảo hiểm. Khi rủi ro lớn tới cấp độ quốc gia thì Chính phủ sẽ tham gia chia sẻ.

“Vì Quebec là tỉnh có đóng góp đáng kể từ nông nghiệp vào kinh tế nên Nhà nước tham gia trọn vẹn hơn ở các tỉnh khác, nơi có sự tham gia nhiều hơn của các thành phần tư nhân”- ông Jean Yves Drolet giải thích.

Đối với vấn đề của HTX là khả năng tiếp cận vốn vay, theo bà Melanie Dumont (Bộ Kinh tế và Sáng tạo của Quebec), điểm khác biệt lớn trong mô hình HTX ở Canada là thành viên tham gia để phát triển HTX cùng các loại hình dịch vụ chứ không phải để kiếm lời từ chia lợi nhuận cuối năm dựa trên vốn góp. “Khả năng góp vốn dù tối thiểu hay tối đa từ các thành viên đều ngang nhau. Lợi nhuận cho thành viên được xác định thông qua lãi suất quy định ngay từ đầu chứ không phải căn cứ trên hiệu quả hoạt động đến cuối năm của HTX”- bà Melanie Dumont thông tin thêm.