Luôn thủ sẵn Bảo hiểm và tuân thủ quy trình xử lý tai nạn giao thông
Đã có án lệ của việc cố tính cán chết người. Tài xế tham gia giao thông cần dặn lòng cố gắng tuân thủ quy trình xử lý khi lỡ gây ra tai nạn giao thông, kết hợp với chính quyền và bảo hiểm để hỗ trợ bản thân giải quyết khi lỡ gây ra tai nạn.
Ảnh trích từ bài viết tham chiếu
Trước đây, cánh tài xế thường bảo nhau rằng, khi lỡ gây ra tai nạn, đôi khi, việc người bị nạn thiệt mạng sẽ khiến anh em tài xế “dễ thở” hơn là việc người bị nạn bị thương tật sau khi vụ việc xảy ra. Lý giải cho việc này, một bác tài có 20 năm kinh nghiệm lái xe đường trường đã chia sẻ.
Lý do trước nhất là về tình lý. Khi một người tử vong, đôi khi thông qua luật pháp xử lý chỉ đền bù một lần cho gia đình nạn nhân là xong. Với người thương tật, dù muốn hay không, ngoài chi phí bồi thường một lần sau khi gây tai nạn, bác tài tự thấy rằng bản thân cũng phải có trách nhiệm với nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại. Việc thăm viếng và bồi dưỡng giúp đỡ nạn nhân khi cần cũng như gia đình của họ luôn là việc cần phải làm. Việc này với nhiều người là một gánh nặng tâm lý không nhỏ.
Một lý do khác, khi nạn nhân tử vong, việc lập hồ sơ vụ án thường sẽ có nhiều thiếu sót vì đương sự, người bị hại đã thiệt mạng tại chỗ, nhiều lái xe trốn tránh trách nhiệm bằng cách chỉ nhận rằng mình vô ý vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông, và vì thế, hình phạt cũng như trách nhiệm sẽ nhẹ hơn. Nếu nạn nhân còn sống, việc này sẽ không dễ dàng như thế.
Vì vậy, nhiều lái xe sau khi lỡ gây tai nạn thì thường nhẫn tâm làm cho nạn nhân chết luôn, vì như vậy thì các vấn đề pháp lý sau đó sẽ đỡ phức tạp hơn.
Tuy nhiên, từ ngày 15 thang 04 năm 2020 trở đi, những việc tương tự có thể không còn được như cánh tài xế suy nghĩ nữa.
Từ vụ việc ở Hà Tĩnh, em Hoàng Đức P. bị tài xế Q sau khi lỡ gây tại nạn thì cố ý cán xe qua khiến em vỡ hộp sọ và chết ngay do kẹt ở gầm xe tải. Sau hơn 4 năm của vụ việc với nhiều lần xét xử, tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án 13 năm 6 tháng tù giam cho tài xế, dù rằng anh này chỉ nhận rằng mình chỉ vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Quan trọng hơn, vụ việc đã được chọn điển hình, đưa vào án lệ.
Điều này có nghĩa, từ 15 tháng 4 năm 2020 trở đi, tòa án nhân dân các cấp có thể dựa vào án lệ này để xem xét các vụ việc có tính chất tương tự và có thể y án để xét xử. Việc chỉ có thể nhận rằng bản thân chỉ “vi phạm quy định” không còn dễ dàng như trước đây, thay vào đó, tùy vào quá trình xét xử mà những hành vi có tính chất tương tự có thể bị kết án tù như án lệ.
Có bảo hiểm và theo quy trình là có tình người
Việc gây ra tai nạn giao thông là điều không hề mong muốn của bất kỳ bác tài nào. Tuy nhiên, thực tế việc lỡ gây ra tai nạn giao thông hầu như là điều không thể tránh khỏi với bất kỳ người đi đường nào, chỉ có là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi.
Để tránh những hậu quả đang tiếc, bác An, tài xế có 12 năm kinh nghiệm lái xe tải chở hàng đã tổng kết những điều sau, JetCare xin phép được chia sẻ:
- Khi lỡ gây ra tai nạn, cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ người bị nạn, cố gắng cứu người. Có thể bị dân xúm vào đánh, nhưng đó là với những ai muốn chạy. Khi thực sự mong muốn cứu người thì người ta cũng dễ thông cảm.
- Cố gắng mời công an đến để lập biên bản và làm thủ tục, bởi vì có rất nhiều việc phải có công an làm chứng. Sau này có tranh cải thì cũng phải có giấy của công an, không thì lời mình nói người ta không chấp nhận. Khi tai nạn xảy ra, đương sự đôi khi còn nhìn không rõ nữa là mình.
- Luôn thủ sẵn các loại bảo hiểm khi lưu thông. Có khả năng mua được bao nhiêu là mua bấy nhiêu. Chủ xe không mua thì đề nghị phải mua, đặc biệt là mấy cái bắt buộc. Bình thường khi cầm lái, không ai muốn nghĩ tới, nhưng khi có chuyện rồi, không có nó thì khổ càng thêm khổ.
Cứ có bảo hiểm, và cứ theo quy trình là tự khắc thấy mình cũng sống có tình người thôi.
Chia sẻ mạng xã hội :